VĂN HÓA-XÃ HỘI
KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY THÀNH LẬP CHI BỘ ĐẢNG ĐẦU TIÊN LÀ TIỀN THÂN CỦA ĐẢNG BỘ XÃ THÁI HỌC ( 05/5/1946 – 05/5/2022)
04/05/2022 12:00:00

Nhân kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên là tiền thân của Đảng bộ xã Thái Học ngày nay, Ban biên tập cổng thông tin điện tử xã Thái Học gửi tới quý bạn đọc bài viết 76 năm ngày thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên là tiền thân của Đảng bộ xã Thái Học ngày nay đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa hết sức quan trọng của Đảng bộ và nhân dân trong xã, là dịp để cán bộ đảng viên và nhân dân ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang trên chặng đường 76 năm xây dựng và phát triển. Nhìn lại chặng đường lãnh đạo 76 năm qua, giai đoạn đầu là của Ban chi uỷ từ ngày 05/5/1946 đến ngày 27/3/1960 và giai đoạn tiếp theo là của Ban chấp hành Đảng bộ từ ngày 27/3/1960 đến nay. Trong suốt 76 năm qua, Chi bộ Đảng, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân và lực lượng vũ trang xã nhà chiến đấu, sản xuất, xây dựng và phát triển, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, góp phần cùng nhân dân cả nước đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ Quốc, bảo vệ và xây dựng Tổ Quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vững bước trên con đường đổi mới.
Xã Thái Học nằm ở trung tâm phía nam huyện Bình Giang, có tỉnh lộ 392, 394 và đường ô tô cao tốc Hà Nội- Hải Phòng  chạy qua tạo thành điểm nút giao thông quan trọng, xã có diện tích đất tự nhiên 607,79 ha. Về quản lý hành chính hiện tại xã có 5 thôn với 11.147 nhân khẩu. Nhân dân xã Thái Học vốn có truyền thống yêu nước dựng nước và giữ nước. Bản chất của nhân dân Thái Học rất siêng năng cần cù giản dị, thật thà chất phát, từ bao thế hệ đã kế tiếp nhau ra sức chống lại thiên nhiên để bảo vệ sản xuất và duy trì cuộc sống. Nhân dân xã Thái Học có truyền thống hiếu học “tôn sư trọng đạo”, từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18 có nhiều người đỗ tiến sỹ, cử nhân làm quan trong triều đình, có nhiều con em thi cử học hành đỗ đạt giữ các chức vụ trong các cơ quan nhà nước. Nhân dân xã Thái Học còn có truyền thống rất đáng tự hào là tinh thần chống áp bức bóc lột của bè lũ phong kiến và kẻ thù xâm lược.
Trước cánh mạng tháng 8/1945 nhân dân ta phải sống trong cảnh áp bức bóc lột lầm than, thực dân Pháp cai trị biến nước ta thành một nước thuộc địa nửa phong kiến, chúng đặt ra bộ máy thống trị nhằm bóc lột và áp bức nhân dân một cách tàn ác, người dân không có cơm ăn áo mặc, không có tư liệu để sản xuất. Với các thủ đoạn dã man chúng muốn biến nước ta trở về thời kỳ đồ đá. Chúng đã gây ra nạn đói năm 1945 làm cho nhiều người dân bị chết do đói rét, trong đó xã Thái Học chúng ta có khoảng 280 người. Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng (tháng 5/1941) xác định rõ: Cách mạng Việt Nam trước mắt là giải phóng dân tộc, các lực lượng cách mạng tập trung mũi nhọn vào bọn phát xít xâm lược Nhật - Pháp, để tập hợp đông đảo hơn nữa mọi tầng lớp nhân dân chống kẻ thù chủ yếu trước mắt của dân tộc là Nhật - Pháp. Hội nghị đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh - gọi tắt là Việt Minh và vạch ra nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và của dân tộc ta, lúc này là chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (09/3/1945) cơ sở quần chúng và tổ chức Việt Minh ở huyện Bình Giang phát triển nhanh chóng, trong đó có tổ chức Việt Minh bí mật ở thôn Phú Khê gồm các đồng chí Vũ Như Oánh, Vũ Như Trác, Vũ Như Bình, do đồng chí Oánh phụ trách. Sau khi đồng chí Đỗ Nhuận thoát ra khỏi nhà tù Sơn La, đồng chí đã về xây dựng 2 tổ Việt Minh ở Hoạch Trạch (thôn Vạc) và thôn Ninh Bình (thôn Phủ) xã Thái Học gồm các đồng chí: Cát, đ/c Huy, đ/c Kha. Tháng 7 năm 1945 tổ Việt Minh thôn Tó được thành lập gồm 4 đồng chí: Lê Huy Mát, Phạm Đình Xá và 2 đồng chí khác do đồng chí Mát phụ trách. Sau đó các tổ chức Việt Minh ở xã ta tiếp tục được thành lập, các tổ Việt Minh đã hoạt động tích cực, tuyên truyền 10 chính sách cuả mặt trận Việt Minh vạch trần tội ác của Nhật - Pháp. Thời gian này hoạt động của các tổ Việt Minh chủ yếu là tuyên truyền giáo dục, nhằm nâng cao hơn nữa nhiệt tình cách mạng của mỗi người, đưa chủ trương của Mặt trận Việt Minh đến với đông đảo quần chúng, lực lượng Việt Minh xã ta là lực lượng quan trọng cùng lực lượng Việt Minh toàn huyện. Từ đây các tổ chức quần chúng trong mặt trận Việt Minh được phát triển và mở rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, quần chúng nhân dân phấn khởi tham gia các Đoàn thể như: Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Nhi đồng cứu quốc được thành lập ở tất cả các thôn xóm trong xã. Tổ chức tự vệ cũng lần lượt được thành lập, tinh thần cách mạng của quần chúng nhân dân hăng say sôi nổi.
Ngày 18/8/1945 lực lượng Việt Minh xã ta cùng lực lượng Việt Minh toàn huyện tiến về Kẻ Sặt tước vũ khí giành chính quyền, tham gia phá kho thóc của Nhật để cứu đói dân nghèo. Cách mạng tháng 8/1945 thành công là một trong những bước ngoặt lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam, là sự đổi đời của nhân dân trong xã cũng như nhân dân cả nước đã thoát khỏi gần 1.000 năm phong kiến và hơn 80 năm cai trị của chế độ thực dân Pháp. Nhân dân ta đã thoát khỏi cuộc sống điêu đứng cơ cực tối tăm chết chóc, mất độc lập tự do và làm nô lệ của người mất nước. Quá trình vận động cách mạng tháng 8/1945 nhân dân xã ta đã đóng góp một phần quan trọng vào việc tuyên truyền tổ chức xây dựng lực lượng Việt Minh, diệt phản động giành chính quyền, cùng phong trào toàn huyện góp phần nhỏ của mình vào sự nghiệp cách mạng chung.
Ngày 25/10/1945, Chi bộ Đảng đầu tiên là tiền thân của Đảng bộ huyện Bình Giang được thành lập tại nhà đồng chí Vinh thị trấn Kẻ Sặt, Chi bộ gồm 6 đồng chí Đảng viên, do đồng chí Vũ Thu làm Bí thư. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng thông qua huyện bộ Việt Minh và Uỷ ban cách mạng lâm thời, phong trào cách mạng ở Bình Giang chuyển biến mạnh mẽ, phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Tháng 11 năm 1945 đồng chí Vũ Như Oánh được kết nạp vào Đảng chính thức. Tháng 5 năm 1946 đồng chí Vũ Như Oánh và đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn đã giới thiệu đồng Vũ Như Trác và Vũ Như Thệu vào Đảng. Ngày 5/5/1946 đồng chí Phan Điền thay mặt cấp trên về tuyên bố kết nạp 2 đồng chí vào Đảng và tuyên bố thành lập Chi bộ Đảng gồm 3 đồng chí do đồng chí Vũ Như Oánh làm Bí thư chi bộ.
Sự ra đời của Chi bộ Đảng xã Thái Học đánh dấu một mốc son trong lịch sử vẻ vang của Đảng bộ xã Thái Học, là kết quả quá trình lãnh đạo của Huyện uỷ Bình Giang, là kết quả của quá trình đấu tranh gian khổ của các tổ chức Việt Minh và lực lượng cách mạng, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của quần chúng nhân dân, đồng thời là bước ngoặt lịch sử của Đảng bộ và nhân dân Thái Học.
Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp và bọn tay sai phong kiến của các tổ chức Việt Minh đã được tổ chức chặt chẽ, hoạt động có hiệu quả. Chi bộ đã thường xuyên sinh hoạt để học tập chủ trương, chính sách của Đảng và bàn chủ trương lãnh đạo phong trào, đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên để có đủ lực lượng làm nòng cốt trên mọi phương diện lãnh đạo, củng cố chính quyền và các đoàn thể, đề cao tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng để quần chúng nhân dân hiểu đầy đủ chủ trương chính sách của Đảng. Chính vì vậy, những chủ trương đường lối của Đảng, của Mặt trận Việt Minh dần dần thấm sâu vào nhận thức của nhân dân. Chi bộ đặc biệt coi trọng xây dựng lực lượng quân sự, xây dựng đội tự vệ ở các thôn, toàn xã có một trung đội tự vệ do đồng chí Nguyễn Văn Thắm - bí thư xã bộ Việt Minh kiêm xã đội trưởng trực tiếp chỉ đạo.
Dưới sự lãnh đạo của huyện uỷ, Chi bộ đã lãnh đạo nhân dân trong xã ra sức sản xuất, khắc phục mọi khó khăn, đẩy mạnh công tác xây dựng chế độ mới.
Tối ngày 19/12/1946 cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Ngày 20/12/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Trước thảm hoạ xâm lăng của đế quốc thực dân, Chi bộ Đảng xã nhà đã lãnh đạo và vận động nhân dân hưởng ứng lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm đi theo đường lối kháng chiến của Đảng và Bác Hồ đã đề ra, tích cực chuẩn bị mọi điều kiện sẵn sàng đánh giặc trong mọi tình huống.
Thái Học là xã có phong trào vững mạnh, có những đảng viên dũng cảm kiên trung, nên ngay sau khi giành chính quyền huyện và chính quyền xã, có những đảng viên, cán bộ xã được cử đi Nam tiến chiến đấu, đi xây dựng chiến khu Đông Triều, xây dựng hội văn nghệ cách mạng như các đồng chí: Đỗ Nhuận, An Duy Vý, Vũ Như Bình. Cuối năm 1946 đến giữa năm 1947, Huyện uỷ liên tiếp cử 3 đồng chí Bí thư Chi bộ xã lên công tác ở huyện gồm đồng chí Vũ Như Oánh, Vũ Như Trác, Vũ Như Mạo.
Suốt trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp đến đầu năm 1947 tuy địch đánh chiếm Kẻ Sặt, nhưng Thái Học vẫn là vùng tự do, hai năm 1947 - 1948 nhân dân trong xã đã đón tiếp giúp đỡ nhân dân các huyện Cẩm Giàng, Thị xã Hải Dương về sơ tán, nhiều đơn vị bộ đội, cơ quan, bệnh viện cùng về đóng tại xã. Nhiệm vụ của Chi bộ xã lúc này là tổ chức phòng không, thi đua sản xuất, "chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm".
- Tháng 2 năm 1948, Đại hội Chi bộ lần thứ nhất, lúc này Chi bộ đã có 30 đồng chí đảng viên, Chi bộ đã bầu Ban chi uỷ có 3 đồng chí và bầu đồng chí Nhữ Đình Kha là Bí thư Chi bộ.
- Tháng 8 năm 1948, Chi bộ Đại hội lần thứ hai. Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, Chi bộ đã chỉ đạo thống nhất giữa mặt trận Việt Minh và Liên hiệp quốc dân Việt Nam thành lập mặt trận liên Việt, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố thêm một bước.
- Ngày 29/3/1948, địch từ Tuấn Kiệt (xã Hùng Thắng) tiến đánh về vây thôn Phú Khê, lực lượng vũ trang xã nhà đã phát hiện địch từ xa, chủ động chuẩn bị chiến đấu. Tổ Bạch đầu quân đã cùng du kích gài mìn đánh địch, đẩy lùi cuộc bao vây không cho địch vào làng.
- Ngày 6/5/1948, địch tập trung hoả lực càn quét toàn khu vực huyện Bình Giang. Khi đến thôn Lý Đỏ gặp phải sức kháng cự của bộ đội tỉnh. Nhưng do lực lượng không cân sức, địch có hoả lực mạnh hơn ta nhiều lần do đó bộ đội ta vừa chiến đấu vừa rút lui để bảo toàn lực lượng, địch càn vào thôn Phú Khê đốt 30 nóc nhà và bắn chết 4 người dân. Lực lượng vũ trang ta phối hợp cùng bộ đội đánh trả một tốp địch ở cửa Nghè cánh cống, tiêu diệt một số tên, cản bước tiến của chúng, lực lượng ta hy sinh một đồng chí bộ đội.
- Năm 1949, địch mở rộng chiến tranh, tăng cường các trận càn và sử dụng hoả lực pháo từ xa bắn phá địa bàn, nhân dân xã ta cùng phải đi sơ tán xuống Ninh Giang, Thanh Miện. Thực hiện chỉ đạo của cấp trên về việc kiện toàn chính quyền, quý II năm 1949 tổ chức bầu cử HĐND khoá 2, cử tri đã phấn khởi đi bầu cử bầu ra 21 đại biểu HĐND, HĐND đã bầu Uỷ ban kháng chiến hành chính và bầu đồng chí Vũ Đức Trung làm chủ tịch uỷ ban.
- Ngày 22/12/1949, thực dân Pháp mở chiến dịch ĐiaBôLô, địch từ các vị trí Thiết trụ, Lực Điển (tỉnh Hưng Yên), phố Kẻ Sặt, thị xã Hải Dương, tỉnh Kiến An phối hợp lực lượng đường thuỷ, hình thành 2 mũi tiến công đánh chiếm các huyện phía nam tỉnh Hải Dương. Trên địa bàn huyện Bình Giang, địch tiến theo 2 mũi: từ phố Kẻ Sặt đánh xuống Phủ (xã Thái Học), xã Nhân Quyền và thị xã Hải Dương đánh qua huyện Gia Lộc vào các xã Cổ Bì, Hồng Khê, Long Xuyên thuộc huyện Bình Giang.
- Ngày 25/3/1950, địch từ phía Hưng Yên và từ Sặt tiến đánh về xã Thái Học và chiếm đóng tại thôn Phủ sau đó địch xây dựng hàng chục bốt và tháp canh. Từ đó, địch thường xuyên càn quét các thôn gây thiệt hại lớn cho nhân dân. Thời điểm từ tháng 3 năm 1950 đến tháng 7 năm 1954 là thời kỳ Đảng bộ và nhân dân xã ta phải chiến đấu gian khổ, đặc biệt là thời kỳ từ tháng 3 năm 1950 đến tháng 8 năm 1950 và thời kỳ tháng 5 năm 1951 đến tháng 12 năm 1951.
Sau khi chiếm đóng và xây dựng bốt Phủ địch ra sức đàn áp khủng bố nhân dân xã ta và các xã xung quanh, 4 đến 5 tháng liền, ngày nào chúng cũng càn vào xóm làng, đi đến đâu là chúng đốt phá, bắn giết đến đấy, thậm chí chỉ có 1 tiểu đội chúng cũng đến các thôn Tân Hưng, Bằng Giã, Phú Thuận, Bùi Khê, Thôn Như, Thông Chương, thôn Quàn để càn quét. Nhân dân không những không yên tâm sản xuất mà hàng ngày mỗi thôn phải cung cấp từ 50 đến 100 người đi làm phu xây bốt cho chúng. Chúng đốt phá cả đình chùa, bắt nhân dân chặt tre mang nộp cho chúng. Căm thù trước hành động dã man của giặc Pháp, dưới sự chỉ đạo của Huyện uỷ, đúng 13 giờ ngày 07/4/1950 bộ đội huyện có sự phối hợp của du kích các xã trong đó co du kích xã Thái Học đã tổ chức giả làm phu tiến vào đánh địch tại bốt Phủ, nhưng trận đánh đã bị địch phát hiện và kháng cự quyết liệt, nhưng ta cũng đã đánh phá máy thông tin của địch và gây thiệt hại cho địch, trận đánh tuy không chiếm được bốt địch nhưng đã gây ra được tiếng vang lớn làm cho địch hoang mang.
- Tháng 4 năm 1951, địch tập trung binh hoả lực có may bay yểm trợ mở chiến dịch mang tên "Bò Sát' đánh vào địa bàn phía Nam huyện Bình Giang, phía bắc huyện Thanh Miện. Trong trận càn này, địch tập trung lực lượng lớn, chúng đánh phá vào các thôn, xã thuộc vùng căn cứ du kích một cách khốc liệt, địch đã bắt được nhiều cán bộ, bộ đội, thanh niên và nhân dân trong vùng, trong đó có đồng chí Hồng Vũ - Tỉnh đội trưởng, đồng chí Lê Sơn, Trần Đông tiểu đoàn phó tiểu đoàn 126 bộ đội chủ lực của tỉnh. Sau trận càn này, địch đã đóng bốt tại Hoà Loan xã Nhân Quyền.
Như vậy, Thái Học nằm giữa vành đai lô cốt của địch, phía bắc là lô cốt ở thôn Phủ, phía Nam là lô cốt ở Hoà Loan (Nhân Quyền), phía tây là lô cốt Như Thị (Thái Hoà). Tình hình ở địa bàn xã lúc này càng khó khăn gian khổ hơn, chúng thường xuyên lùng sục, bắn giết cán bộ và du kích, chúng tuần canh suốt ngày đêm trên đường 20. Có lúc chỉ đi từ Lôi Trì (Hồng Khê) sang Chương, Quàn, Bình Cách lực lượng của ta phải đi vòng qua Gia Lộc (Thanh Miện) mới an toàn. Chúng còn bắt lập vành đai trắng không cho nhân dân cấy cầy ven đường 20 mỗi bên rộng 100 m, không những thế còn phải nộp thuế cho chúng. Lúc này các thôn trong xã đều phải lập tề, riêng thôn Hoạch Trạch chúng bắt xây tháp canh. Tuy vậy, cán bộ đảng viên vẫn bắm đất, bám dân. Những lúc địch khủng bố gây gắt tạm sơ tán xuống Bình Xuyên nhưng tối lại tổ chức về liên lạc với cơ sở ở các thôn để lãnh đạo, ta luôn lợi dụng sơ hở của địch để đưa những đồng chí đảng viên trung kiên cài vào tổ chức địch ở các thôn như: Ban hương lý (Ban tề) và tổ chức bảo an của địch cho phép một số đảng viên được nhận giấy chứng minh (thẻ tề) của địch để dễ hoạt động, bề ngoài là tề nhưng hoạt động cho cách mạng. Có nhiều tấm gương và những sáng kiến của nhân dân bảo vệ cán bộ như "ám hiệu" báo cho cán bộ biết lúc địch đến và địch rút để cán bộ ta hoạt động bình thường và an toàn. Do đó, địch càn nhưng không phát hiện được cán bộ, thậm trí có những lúc cán bộ cũng bị càn và đưa đến sân đình tập trung nhưng không bị chỉ điểm, do đó địch không phát hiện. Với những hình thức đấu tranh thích hợp mà đời sống của nhân dân ta được đảm bảo, cán bộ, đảng viên vẫn nắm được dân và thường xuyên cung cấp tin tức chính xác tình hình địch cho cấp trên, đồng thời vận động thu thuế nông nghiệp ngay trong vùng địch hậu, là một trong 20 xã được Uỷ ban Kháng chiến khu Tả Ngạn tặng bằng khen.
Là xã giữ vững cơ sở và hoàn thành nhiệm vụ trên giao chính là Chi bộ xã luôn luôn nắm vững phương châm đấu tranh chính trị trong vùng địch hậu, giáo dục cho đảng viên tinh thần dũng cảm, kiên trung (suốt trong thời kỳ khó khăn gian khổ nhất, đa số đảng viên trung kiên, tuy có một số ít đồng chí đảng viên ngừng hoạt động song không có đồng chí nào đầu hàng phản bội hoặc chỉ điểm, khai báo cho địch). Cán bộ luôn bám sát nhân dân nên nhân dân hết lòng che chở bảo vệ cán bộ, đảng viên, du kích.
Từ năm 1952, tình hình đã dần sáng sủa, có lúc ta cho lập ban tề, có lúc ta lại phá. Tổ chức bảo an bề ngoài là của địch nhưng chính là du kích của ta cài vào, do vậy đã phục vụ tốt 2 trận đánh quan trọng: Tháng 3 năm 1952, thôn Phú Khê là chỉ huy cơ sở của trung đoàn 42, bảo vệ an toàn cho chỉ huy cơ sở chỉ đạo chiến đấu trung 1 đêm đánh 18 tháp canh ở các xã phía Bắc huyện, trong đó có 1 tháp canh ở thôn Vạc. Giữa năm 1952, cấp trên chỉ thị các địa phương phối hợp với chiến trường toàn quốc, huyện uỷ ra chỉ thị tổng phá tế trong toàn huyện để giam chân và tiêu hao sinh lực của địch, tạo điều kiện cho chiến trường giành thắng lợi. Đầu năm 1953, ta đánh địch mạnh ở chiến trường làm cho địch thất bại lớn, do đó địch đã co cụm, lúc này lực lượng vũ trang xã nhà đã chuyển mạnh sang đấu tranh vũ trang đánh phá giao thông, ngăn cản quân địch.
- Ngày 12/1/1954, du kích xã phối hợp với bộ đội dùng mìn đánh 2 xe cam nhông địch ở Cầu Sồi gây thiệt hại nặng cho địch.
- Ngày 14/2/1954, du kích xã nhà trực tiếp chống địch ở bốt Phủ ra càn quét gây cho chúng một số thiệt hại.
- Tháng 7 năm 1954, lực lượng vũ trang xã nhà đã dẫn đường đưa đón bộ đội tiêu diệt 2 tiểu đoàn quân chủ lực của địch, bị thất bại trên chiến trường co cụm về đóng tại thôn Vạc cách lô cốt Phủ 200 m, tiêu diệt và bắt sống 83 tên, gọi 50 tên binh lính địch ra hàng.
Chi bộ lãnh đạo nhân dân thôn Vạc đấu tranh hợp pháp đòi tên thủ hiến bắc việt phải bồi thường về việc quân lính của chúng cướp phá khủng bố nhân dân. Cuộc đấu tranh đã buộc tên thủ hiến bắc việt phải chấp thuận theo yêu cầu của nhân dân. Sau thất bại ở Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954. Thực dân Pháp phải đầu hàng vô điều kiện, đến ngày 20/9/1954 tên lính Pháp cuối cùng đã rút khỏi đất Thái Học, kết thúc 80 năm nhân dân ta phải chịu ách nô lệ lầm than.
Chín năm kháng chiến trường kỳ gian khổ, Chi bộ đã lãnh đạo nhân dân và lực lượng vũ trang xã nhà kháng chiến kiên cường, góp sức cùng quân dân cả nước đánh thắng thực dân Pháp xâm lược, giành hào bình độc lập dân tộc, miền bắc được hoàn toàn giải phóng, cuộc cách mạng dân tộc dân chủ đã căn bản hoàn thành, miền bắc đi lên xây dựng CNXH tri viện cho miền nam thân yêu. Tổng kết cuộc kháng chiến chống Pháp, Chi bộ đã lãnh đạo lực lượng vũ trang xã nhà độc lập đánh nhiều trận và phối hợp đánh 5 trận lớn tiêu diệt 5 tên địch, bắt sống 83 tên, gọi hàng 50 tên, phá huỷ 2 xe cam nhông và 1 tháp canh, tịch thu nhiều quân trang, quân dụng. Vận động 87 người vào du kích, 372 người đi bộ đội, có 22 đồng chí bị hy sinh là liệt sĩ, 10 thương binh.
Hoà bình lập lại, Chi bộ lãnh đạo nhân dân trong xã ra sức sản xuất, khôi phục kinh tế, tiến hành cải cách ruộng đất, khai hoang phục hoá 160 mẫu ruộng ven bốt Phủ, ven đường 20, đào mương, khơi kênh. Nhờ đó diện tích 2 vụ lúa đã tăng lên, khôi phục các ngành nghề như: nghề lược ở thôn Vạc, nghề xe chỉ ở thôn Phú Khê, nên đời sống nhân dân đỡ khó khăn hơn trước. Các đồng chí Bí thư Chi bộ xã giao đoạn 1946 - 1954 gồm: đồng chí Vũ Như Oánh, Vũ Như Trác, Vũ Như Mạo, Nguyễn Văn Thắm, Nhữ Đình Kha, Bùi Văn San, Tắc Bình, Đỗ Văn Duyên, Vũ Trọng Độ.
Cuối năm 1955 đầu năm 1956, Trung ương Đảng chủ trương giảm tô và cải cách ruộng đất, đã tịch thu trên 500 mẫu ruộng, 20 con trâu, 120 gian nhà của giai cấp địa chủ để chia cho nông dân, cải cách ruộng đất giành thắng lợi, nông dân đã đổi đời. Nhưng trong cải cách ruộng đất cũng đã mắc phải những sai lầm khuyết điểm. Trung ương đảng và Bác Hồ đã kịp thời phát hiện ngăn chặn và chỉ đạo sửa sai, nhân dân ta vô cùng phấn khởi trước quyết định sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Từ năm 1958 đến 1960, Chi bộ lãnh đạo nhân dân tiến hành cải tạo XHCN về nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, bước đầu xây dựng các HTX nông nghiệp thôn xóm và liên xóm, sau là HTX toàn thôn. Hai năm 1958 và 1959 đã có 90% số hộ nông dân vào HTX góp 90 % ruộng đất, nông cụ và trâu bò vào HTX, đi đôi với HTX hoá là thủy lợi hoá, đã tích cực đào mương, khơi ngòi nên diện tích 2 vụ lúa đã tăng thêm 170 mẫu, sản lượng tăng trên 100 tấn so với năm 1957. Các HTX mua bán, HTX tín dụng cũng được hình thành, phong trào bổ túc văn hoá ngày càng phát triển là điển hình phong trào bổ túc văn hoá của huyện.
- Ngày 27/3/1960, Đảng bộ tổ chức Đại hội Đảng bộ lần thứ nhất tại thôn Sồi Cầu, công bố quyết định của Tỉnh uỷ về việc thành lập Đảng bộ xã Thái Học.
- Từ năm 1961 đến năm 1965 là thời kỳ thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng CNXH ở miền Bắc và hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Đảng bộ đã lãnh đạo và vận động nhân dân thi đua yêu nước, coi thi đua là động lực thúc đẩy phong trào sản xuất phát triển kinh tế. Đảng bộ đã cử nhiều đảng viên đi học quản lý kinh tế, khoa học kỹ thuật, cử đảng viên vào lãnh đạo các đội sản xuất và Ban quản trị HTX.
Ngoài phong cách làm ăn tập thể, còn thực hiện nhiều biện pháp kỹ thuật tiên tiến, tiếp thu giống mới nên sản xuất lương thực đã tăng hàng trăm tấn, đời sống nhân dân được cải thiện, đóng góp lương thực cho Nhà nước ngày một tăng, các mặt giáo dục, y tế, văn hoá cũng có chuyển biến rõ rệt.
Ngày 5/8/1964, sau khi Mỹ dựng ra "sự kiện Vịnh Bắc Bộ", đế quốc mỹ đã ngang nhiên cho máy bay bắn phá miền Bắc nước.
- Từ năm 1965 đến năm 1975 là thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ quyết liệt của quân dân cả nước. Đảng bộ lãnh đạo nhân dân ra sức xây dựng CNXH, quyết tâm cùng cả nước đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và tri viện đắc lực cho cách mạng miền Nam.
- Xây dựng HTX nông nghiệp quy mô toàn xã, tích cực thực hiện các biện pháp kỹ thuật trong thâm canh đưa giống mới, giống tốt và ngành nghề thủ công.
- Đặc biệt, Đảng bộ lãnh đạo nhân dân chiến đấu và khắc phục hậu quả trận lũ lụt lịch sử vào năm 1971, thiệt hại nặng nề về lúa, hoa mầu, cây ăn quả, gia súc, nhưng người vẫn bảo đảm an toàn. Sau khi nước lụt rút ra, Đảng bộ lãnh đạo nhân dân bắt tay ngay vào sản xuất, nên cuộc sống mau chóng ổn định. Đảng bộ luôn quan tâm lãnh đạo phát triển 3 ngọn cờ hồng là: HTX nông nghiệp, HTX mua bán và HTX tín dụng. Phong trào giáo dục, y tế, văn hoá phát triển đều đặn, đặc biệt trường phổ thông của xã được đón nhận danh hiệu "Tổ đội lao động XHCN" có thành tích xuất sắc 13 năm liền.
- Đảng bộ luôn coi trọng công tác chính trị tư tưởng, vận động nhân dân nâng cao cảnh giác chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, tích cực đào hầm hào phòng tránh các đợt oanh tạc của máy bay Mỹ, nhân dân ta đã làm hàng hàng hầm kèo và hố cá nhân, đào hàng trăm mét giao thông hào, nên qua hai đợt oanh tạc phá hoại của máy bay Mỹ, chúng ném xuống địa bàn xã hàng chục quả bom và đạn rốc két, nhưng không gây thiệt hại tính mạng nhân dân.
- Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân Thôn Sồi Tó giành ra trên 10 mẫu ruộng để làm trận địa cho đơn vị phòng không, toàn xã huy động hàng ngàn ngày công đào đắp hàng nghìn m3 đất làm trận địa phòng không và đường cho đơn vị phòng không vào trận địa. Lãnh đạo nhân dân tri viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam, thực hiện quyết tâm chiến lược của Trung ương: "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược". Đảng bộ đã phát động nhân dân các phong trào yêu nước, đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Thực hiện khẩu hiệu:
"Thóc không thiếu một cân
Quân không thiếu một người"
Nên tuyệt đại bộ phận đảng viên và nhân dân đều tình nguyện cử con em mình đi chiến đấu, mặc dù biết rõ là phải gian khổ, hy sinh. Tích cực xây dựng lực lượng dân quân trực chiến và tham gia đánh 48 trận chống máy bay Mỹ bay vào vùng trời thuộc tầm ngắm của dân quân Thái Học, đẩy chúng lên cao cho bộ đội phòng không lập công.
Tổng kết 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cùng với thực hiện nhiệm vụ quốc tế và bảo vệ Tổ Quốc. Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân làm tròn trách nhiệm, cử 1.916 người vào bộ đội, có 185 đồng chí hy sinh là liệt sỹ, 63 thương binh, 19 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 28 người bị nhiễm chất độc da cam dioxin, đóng góp 3.654 tấn lương thực, 273 tấn thực phẩm.
- Với những thành tích vẻ vang đó, Đảng bộ, nhân dân xã nhà được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: 1 Huân chương chiến công, 1 Huân chương kháng chiến, 795 người được tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến . Phong trào sản xuất được tặng 1 Huân chương lao động hạng 3. Cá nhân đồng chí Phạm Đình Luân được tặng 1 Huân chương lao động hạng 3. Ông An Duy Liên chiến sỹ thi đua giáo dục được tặng Huân chương lao động hạng 3. Đảng bộ 10 năm liền được công nhận là Đảng bộ 4 tốt, chính quyền giỏi toàn diện. Đặc biệt vinh dự và tự hào Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang xã nhà được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu đơn vị "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân". Xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016.
Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang xã nhà. Dưới sự lãnh đạo của Huyện uỷ, Đảng bộ tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng trong thời kỳ đổi mới.Tổng thu nhập xã hội năm 2021 trên địa bàn xã ước đạt 724 tỷ đạt 100% kế hoạch cả năm, tăng 10 % so với cùng kỳ năm 2020 (Mặc dù do tình hình dịch bệnh covid 19 song nguồn thu khác tăng từ nguồn thu đền bù giải phóng mặt bằng). Tỷ trọng thu nhập xã hội phát triển theo chiều hướng tích cực, cơ cấu kinh tế: Nông nghiệp 10% – Tiểu thủ công nghiệp 34,5% – Thương mại dịch vụ và thu khác 55,5%.
+ Thu từ sản xuất nông nghiệp ước đạt 73 tỷ đồng, tăng 1,5% so với năm 2020
+ Thu từ công nghiệp xây dựng ước đạt 249,8 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2020.
+ Thu từ thương mại dịch vụ và thu khác ước đạt 401,2 tỷ đồng, tăng 11,5% so với năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 65,8 triệu đồng/người/năm.
Chi bộ đảng đầu tiên nay là tiền thân của đảng bộ xã Thái Học khi mới thành lập có 3 đồng chí, đến nay đã có 559 đồng chí đảng viên sinh hoạt ở 11 Chi bộ gồm: 5 chi bộ nông nghiệp ở 5 thôn, 3 chi bộ nhà trường, 1 chi bộ trạm y tế, 1 chi bộ Dân quân cơ động.
76 năm qua chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, Chi bộ - Đảng bộ đã lãnh đạo phong trào cách mạng xã nhà đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Có được kết quả đó, trước hết là có đường lối đúng đắn của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, có sự lãnh đạo chỉ đạo chặt chẽ, sát sao của Huyện uỷ Bình Giang, có vai trò đóng góp to lớn của nhân dân trong xã mà nòng cốt là Chi bộ - Đảng bộ đã vận dụng khéo léo tình hình thực tế của xã để vận động nhân dân đồng tình ủng hộ. Đảng bộ luôn tôn trọng và trung thành với lợi ích cuả nhân dân, giữ vững bản lĩnh chính trị, kiên định mục tiêu lý tưởng cách mạng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, phát huy tinh thần độc lập tự chủ sáng tạo. Tôn trọng và giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng./.
Kết quả giải quyết TTHC
Đến tháng 06 đã giải quyết:
100%
Số hồ sơ xử lý: 834
Trước & đúng hạn: 834
Trễ hạn: 0
Tỉ lệ trễ hạn: 0%
Chi tiết
( Cập nhật lúc:01/06/2023 05:50:26)

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ THÁI HỌC - HUYỆN BÌNH GIANG

Trưởng Ban Biên tập: Nhữ Đình Thắng

Địa chỉ: xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương

Điện thoại: 0982100968

Email: thaihocbg@gmail.com

Đang truy cập: 1
Hôm nay: 3
Tất cả: 951,704